Đạo đức của học sinh vừa mang ý thức hệ xã hội, vừa phải phù hợp với các qui định và chuẩn mực của xã hội; đồng thời phải phù hợp với những qui định của nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.  Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh phải được tiến hành thường xuyên liên tục, phát huy thật tốt mối quan hệ giữa gia đình nhà trường và xã hội để giáo dục các em.

CÔNG TÁC PHỐI HỢP VỚI PHỤ HUYNH HỌC SINH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

CHO HỌC SINH

    Đạo đức của học sinh vừa mang ý thức hệ xã hội, vừa phải phù hợp với các qui định và chuẩn mực của xã hội; đồng thời phải phù hợp với những qui định của nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động giáo dục đạo đức học sinh không thể xem nhẹ và tách rời giữa giáo dục nhà trường với gia đình và đoàn thể, xã hội. Thực hiện đúng mọi qui trình giáo dục đạo đức phù hợp với qui luật nhận thức sẽ giúp cho học sinh ý thức và điều chỉnh hành vi của mình, điều chỉnh các mối quan hệ; tất cả các yếu tố sẽ góp phần hình thành nhân cách của học sinh.

   Đối với học sinh THCS ở độ tuổi mà tâm sinh lý lứa tuổi phát triển mạnh, các em có nhiều nhu cầu hiểu biết, tìm tòi, bắt chước, thích giao lưu tìm hiểu, thích đua đòi ăn chơi, thích khẳng định mình là người lớn...; trong khi đó các kiến thức về hiểu biết xã hội, hiểu biết về gia đình, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế, thậm chí có em còn mơ hồ; do đó các em chưa ý thức rõ về hành vi của mình, nên dễ dẫn đến phạm lỗi, vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy nhà trường.

   Các phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của con người nói chung, HS nói riêng được hình thành và phát triển trong các môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Để làm tốt việc giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh THCS chúng ta phải kết hợp chặt chẽ nhiều lực lượng, tổ chức, đoàn thể.

   Nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội có vai trò giáo dục khác nhau đối với sự hình thành và phát triển phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của HS. Trong đó, nhà trường là môi trường giáo dục toàn diện nhất, là cơ quan nhà nước thực hiện chức năng giáo dục chuyên nghiệp nhất, có vai trò chủ động, định hướng, huy động trong việc phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội.

   GVCN cần kết hợp và phát huy mối quan hệ hợp tác với phụ huynh học sinh, các giáo viên bộ môn, Đội, Đoàn trong nhà trường; Trung tâm học tập cộng đồng; với phụ huynh học sinh, các tổ chức ở địa phương nhằm giáo dục đạo đức và bồi dưỡng một số kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Tạo mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết giữa GVCN - Nhà trường - Gia đình với các ban ngành đoàn thể sẽ phát huy sức mạnh lớn nhất trong công tác giáo dục đạo đức học sinh đạt hiệu quả nhất.  GVCN cùng với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tuyên truyền, giáo dục, động viên các em học sinh cùng tham gia vào các hoạt động của nhà trường, các hoạt động thi đua, hỗ trợ học tập, những hoạt động mang tính tình nguyện… Đẩy mạnh và cụ thể hóa các nội dung xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện các giải pháp, hành động cụ thể, tạo sự gần gũi giữa thầy cô giáo với học sinh, từ đó giúp các em xóa đi những khoảng cách về tư tưởng, tình cảm, hình thành suy nghĩ về cách ứng xử phù hợp, giúp giáo viên kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và ngăn chặn những vi phạm của học sinh.

   Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh phải được tiến hành thường xuyên liên tục, phát huy thật tốt mối quan hệ giữa gia đình nhà trường và xã hội để giáo dục các em.

    Phối hợp giữa GVCN với phụ huynh là hoạt động thường xuyên, liên tục. Đầu năm học GVCN nhận bàn giao học sinh; nắm chắc trình độ học tập, kết quả rèn luyện hai mặt giáo dục của học sinh lớp mình, danh sách các học sinh thường xuyên vi phạm cần được quan tâm giáo dục, các học sinh cá biệt… để có kế hoạch, biện pháp giáo dục. GVCN nắm chắc số điện thoại của phụ huynh, địa chỉ gia đình từng học sinh để tiện liên lạc. GVCN có kế hoạch và biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh có biểu biện vi phạm đạo đức. GVCN sử dụng nhóm zalo, sổ liên lạc điện tử, cuộc gọi điện trực tiếp, giấy mời họp để liên lạc hàng ngày với phụ huynh một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. GVCN đi thăm và trao đổi trực tiếp với gia đình PHHS khi thấy cần thiết. GVCN mời PHHS tới trường để trao đổi về việc giáo dục HS khi có những hiện tượng bất thường và khẩn cấp. GVCN liên hệ thường xuyên với hội CMHS để tích cực hóa các hoạt động giáo dục. Yêu cầu CMHS ghi số điện thoại của GVCN để tiện liên hệ. GVCN cần quan tâm ý kiến đóng góp của CMHS.

   Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa hiệu trưởng với học sinh, truyền đạt chủ trương chính sách của ngành, nội quy của nhà trường đến học sinh không phải bằng mệnh lệnh mà bằng sự thuyết phục cảm hoá, gương mẫu của bản thân mình. Bên cạnh đó GVCN phát hiện kịp thời các hành vi xấu của học sinh, đề nghị nhà trường xét kỷ luật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn hành vi xấu khác có thể xẩy ra tiếp. GVCN lấy chủ trương hoạt động của nhà trường do BGH cung cấp để lên kế hoạch hoạt động lớp mình, chịu trách nhiệm truyền đạt cho CMHS và HS về chủ trương của trường và cấp trên … GVCN có trách nhiệm báo cáo thường xuyên với BGH về tình hình của lớp thường xuyên theo định kì, hoặc đột xuất khi có vấn đề cần giải quyết. Nhà trường tổ chức các cuộc họp phụ huynh đầu năm, cuối kì I, cuối kì II và các cuộc họp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi phối hợp quản lí giáo dục học sinh. Thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là tổ chức quan trọng trong nhà trường. 

Cuộc họp giữa Ban giám hiệu với GVCN triển khai công tác chủ nhiệm, trao đổi bàn bạc các biện pháp quản lí, giáo dục đạo đức cho học sinh

   Các buổi sinh hoạt dưới cờ là hoạt động thường xuyên diễn ra hàng tuần, là hoạt động phối hợp rất hiệu quả giữa GVCN – Đội – các đoàn thể lồng ghép tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua các chuyên đề thiết thực.

Sinh hoạt dưới cờ lồng ghép các hoạt động trong đó có nội dung giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

   GVCN phối hợp với giáo viên bộ môn liên tục trong các tiết học. GVCN cần thường xuyên nhắc nhở HS tôn trọng tất cả các thầy cô, kiên quyết xử lý những HS vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô, chây lười trong học tập. Khi được thông báo HS vi phạm, GVCN luôn lắng nghe thông tin từ hai phía để có hướng giáo dục tốt; tạo điều kiện để GV bộ môn có thể hiểu được tình hình lớp dẫn đến thông cảm, thương yêu, đối xử công bằng với HS; truyền đạt những nhận xét của GV bộ môn đến học sinh (khen – phê bình) để các em rút kinh nghiệm, phấn đấu. GVCN và GV bộ môn cần thống nhất kế hoạch và chương trình giáo dục chung đối với cả lớp, thống nhất hình thức và biện pháp tác động  đối với HS , HS bỏ tiết, nghỉ học không phép, những biện pháp tác động học sinh. GVCN có trách nhiệm phản ánh, trao đổi kịp thời những mong muốn của HS đến GVBM, ngược lại GVCN cung cấp danh sách HS yếu môn học nào đó ở lớp cho GVCN biết kịp thời. GVCN biết lắng nghe những nhận xét của giáo viên bộ môn thậm chí là những phê phán cá nhân, tập thể lớp mình sau đó chọn lọc, phân tích thông tin để phối hợp tác động giáo dục cùng chiều, khắc phục khó khăn, vướng mắc của học sinh trong quá trình học tập, đề đạt nguyện vọng của học sinh với giáo viên bộ môn để nâng cao chất lượng giáo dục.

   Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng cũng là hoạt động thường xuyên của nhà trường có hiệu quả trong các công tác trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh.

Phối hợp GVCN – Đội – Trung tâm học tập cộng đồng tuyên truyền giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh

Phối hợp GVCN – Đội – Trung tâm học tập cộng đồng tuyên truyền giáo dục ý thức phòng tránh đuối nước và tai nạn thương tích, nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình, cộng đồng.

   GVCN phối hợp thường xuyên với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường, tổ chức cho HS tham gia tốt các hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua do Đoàn phát động góp phần tích cực thúc đẩy phát triển phẩm chất đạo đức lối sống cho học sinh.

Phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức cho học sinh lao động chăm sóc cây xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp

     Phối kết hợp với Công đoàn tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu thể dục thể thao, văn nghệ, tham quan trải nghiệm học tập… để từ đó hình thành và rèn luyện các hành vi, thói quen đạo đức cho học sinh góp phần phát triển nhân cách đồng thời giúp cho các em phát triển thành những con người có nhân cách toàn diện.

   Tóm lại, Sự hợp tác giữa GVCN với PHHS, các tổ chức, đoàn thể là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và toàn xã hội là ba môi trường giáo dục quan trọng tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc để cùng giáo dục, hình thành nhân cách và vun đắp sự trưởng thành cho thế hệ tương lai của đất nước.

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : c12.lat.anb@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 74
Hôm qua : 165
Tất cả : 16417